Mách mẹ cách phòng trừ bệnh giao mùa xuân hè. Thời điểm cuối xuân sang hè, thời tiết tuy ấm áp hơn nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời trở lạnh đột ngột.
Đây là nguyên nhân khiến cho trẻ em và người già dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm bởi vi khuẩn, virus …
Thực tế ghi nhận tại khoa Nhi BV Bạch Mai và BV Nhi Trung ương trong mấy tháng đầu năm đã có lượng bệnh nhân nhi nhập viện tăng cao. Đặc biệt số trẻ mắc các nhóm bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen tăng 30%.
“Số bệnh nhi đến khám vì các bệnh lý này tăng 30% so với ngày thường. Trẻ bị viêm tiểu phế quản với những cơn ho dai dẳng, dễ phù nề đường thở gây khó thở, trong khi bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị phải rất kiên trì, tái khám thường xuyên khiến bố mẹ có tâm lý lo lắng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết.
“Những cơn ho như dứt ruột của con khiến cả nhà lo lắng. Vừa uống thuốc vào lại lên cơn ho sặc sụa, kéo dài, nôn trớ cả thuốc, lại uống lại, lại ho. Cả mấy ngày dài lo lắng, thấp thỏm, có ngày vác con đến bệnh viện 2 lần, đề nghị bác sĩ cho nhập viện bác sĩ đều khuyên không nên, bệnh viện đông, nằm khổ sở, không tốt cho bé”, chị Thu Hương, Giáp Bát, Hà Nội cho biết.
Nguyên nhân của tình trạnh này là do thời điểm giao mùa xuân hè, tiết trời nồm ẩm, thay đổi nhiệt độ nóng lạnh thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và các loại nấm mốc phát triển. Trẻ có sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng rất dễ nhiễm bệnh trong thời gian này.
Sau đây là một số biện pháp được các chuyên gia y tế đưa ra để đối phó hiệu quả với bệnh giao mùa xuân hè, mẹ tham khảo ngay mẹ nhé:
1. Cho trẻ cần ăn nhiều vitamin qua các loại rau củ quả nhiều hơn. Hạn chế đồ ăn béo
2. Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.
3. Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi. Nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.
4. Nên có sẵn vài chiếc khăn xô thấm nước để lau mồ hôi cho trẻ. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân - nơi ra nhiều mồ hôi.
5. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột do di chuyển từ phòng có điều hòa lạnh quá hoặc ấm quá so với nhiệt độ ngoài trời.
6. Trong trường hợp bé bị cảm cúm cần cho bé uống nhiều nước, ăn lỏng, mẹ không nên vội vã sử dụng kháng sinh, thuốc ho cảm tân dược cho trẻ. Lạm dụng các thuốc này có thể gây lờn thuốc, hại gan, thận và dạ dày, thậm thí ảnh hưởng tới thần kinh trung ương của trẻ.
Các thuốc ho thảo dược có thể hữu ích và hiệu quả hơn khi bé mới chớm ho, mẹ có thể dùng ngay để làm giảm ho an toàn cho trẻ. Vì các chứng bệnh đường hô hấp diễn tiến rất nhanh, do đó thấy trẻ sốt cao trên 39ºC, mệt mỏi nhiều... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên cho trẻ nghỉ học để chăm sóc ở nhà và tránh lây lan cho bạn.