Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Varicella Zoster (VZV) là tác nhân chính gây ra bệnh thủy đậu (tên tiếng anh là Chicken Pox, dân gian còn gọi là trái rạ). Đây là bệnh dễ lây nhiễm trong cộng đồng qua đường hô hấp, xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Kể từ năm 1970, khi các nhà khoa học nghiên cứu thành công vắc xin ngừa thủy đậu, số ca mắc bệnh trên thế giới đã giảm đáng kể.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh thuỷ đậu là sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, biếng ăn, xuất hiện phát ban, mụn nước đầy dịch, tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Mụn nước ban đầu tập trung ở mặt, lưng và thân sau đó nhanh chóng lan rộng toàn cơ thể. Bệnh thường diễn biến lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị cẩn thận người bệnh có nguy cơ mắc các biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết,… nguy hiểm hơn là tử vong.
Người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là những đối tượng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng nặng nề nếu gặp phải các biến chứng do thủy đậu gây ra.
Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có thể gặp một số biến chứng khác như zona thần kinh, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm hạch lympho, viêm tai giữa và tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm dây thần kinh, viêm thanh quản do các nốt mụn nước mọc ở khu vực cổ gây lở loét, sưng tấy do nhiễm trùng, hay hội chứng sốc nhiễm độc, hội chứng Reye (là một dạng bệnh não và rối loạn chức năng gan) ở trẻ em dưới 18 tuổi dùng thuốc aspirin trong điều trị bệnh thủy đậu.
Bệnh thủy đậu thường bị vào mùa nào? Tại sao?
Tại Việt Nam, bệnh thủy đậu xuất hiện quanh năm với diễn biến phức tạp, đặc biệt giai đoạn cao điểm là từ tháng 3 tới tháng 5 (còn được gọi là mùa thủy đậu) khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Đây cũng chính là khoảng thời lý tưởng cho virus thủy đậu gây bệnh sinh sôi và lây lan, nhanh chóng tạo thành dịch nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Các đường lây nhiễm thủy đậu ở trẻ và người lớn bạn cần nắm
Thủy đậu lây lan rất nhanh trong cộng đồng, có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp phổ biến bằng 3 con đường:
- Lây qua giọt bắn hô hấp: Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm virus Varicella Zoster nếu vô tình hít phải những giọt bắn từ người bệnh trong khi nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc sổ mũi. Đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh bởi sức đề kháng kém trong khi mùa thủy đậu rơi vào tháng 3 đến tháng 5 là thời gian học sinh đi học, môi trường tiếp xúc rộng lớn.
- Lây qua tiếp xúc trực tiếp các dịch tiết trên vùng da bị tổn thương: Đây cũng là một trong những con đường lây bệnh nhanh và phổ biến. Khi người khỏe mạnh vô tình đụng, chạm, sờ vào các nốt mụn nước bị vỡ, các vết loét, vùng da bị tổn thương của người bệnh, virus thủy đậu có thể lây lan sang người lành, ủ bệnh và khởi phát bệnh.
- Lây qua đồ vật cá nhân dùng chung: Nếu sử dụng chung vật dụng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, khăn tắm, điện thoại, laptop…, người khỏe mạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus thủy đậu.
Trong mùa thủy đậu bạn cần làm gì? Nếu mắc bệnh phải làm sao?
Trong mùa thủy đậu diễn ra, để chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả, mỗi người cần thực hiện các lưu ý sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh
Thủy đậu là bệnh lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết trên vùng da bị tổn thương nên khi có bất cứ ai có triệu chứng mắc thủy đậu, việc đầu tiên cần làm là tự cách ly từ 7-10 ngày trong môi trường thoáng khí, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
2. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ
Trong quá trình khởi phát bệnh thuỷ đậu, các nốt mụn nước sinh sôi và gây ngứa ngáy, khó chịu, nếu không được chăm sóc cẩn thận và vệ sinh da đúng cách có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu. Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng khi điều trị thủy đậu là cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên tắm gội bằng nước ấm và dung dịch tắm dịu nhẹ để tránh nhiễm trùng từ vùng da này sang vùng da khác.
3. Môi trường sống cũng cần được vệ sinh khử khuẩn
Môi trường sống ô nhiễm sẽ tạo điều kiện cho các mầm bệnh sinh sôi, phát triển và gây bệnh, do đó, cần dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên môi trường sống của người bệnh, kể cả các vị trí nhỏ hẹp, các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như nắm cửa, lan can, tay nắm cầu thang,… sát khuẩn bằng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng và rửa sạch lại với nước sạch. Riêng rèm cửa, ghế số pha, thảm,… cần được làm sạch, hút bụi hàng ngày.
Những vật dụng cá nhân người bệnh như quần áo, chăn mền, khăn, điện thoại di động, laptop, máy tính, ly, chén, dĩa ăn,… cũng cần được vệ sinh thường xuyên để hạn chế vi khuẩn, virus, vi sinh vật, các loại nấm mốc làm tình trạng nhiễm trùng da tăng lên.